Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ Chuyền đề về “ChatGPT” cho cộng đồng Doanh nghiệp & Trường Đại học

ChatGPT gần đây đã trở thành “cơn sốt” khi đánh dấu bước tiến mới của trí tuệ nhân tạo, song cũng đặt ra dấu hỏi lớn về những tác động của công cụ này đối với sự phát triển của các doanh nghiệp…Là thành viên của Ban Đào tạo & Hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) – Bà Nguyễn Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành rất quan tâm và chú trọng đến những cơ hội cũng như thách thức đặt ra của Chat GPT đối với giáo dục và hoạt động kinh doanh của các Doanh nghiệp. Theo chỉ đạo và sự tạo điều kiện của Bà Nguyễn Mai Lan, sáng ngày 09/3/2023, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã trang trọng tổ chức Chương trình Cà phê B2B-NTTU họp mặt Doanh nghiệp Tháng 3/2023 chia sẻ Chuyên đề: “ChatGPT Khám phá Tiềm năng và Giới hạn” nhằm mang đến cho cộng đồng những hiểu biết đúng đắn về các cơ hội và thách thức do ChatGPT mang đến. Diễn giả chính của Chương trình là GS.TS. Đỗ Phúc – một chuyên gia trên 25 năm kinh nghiệm về Chatbot và AI.

Chương trình đã diễn ra thành công với sự tham dự của gần 200 khách mời và sự tham dự của TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, ThS. Hứa Phú Doãn – Chủ tịch CLB Doanh nghiệp NTTU cùng Ban Chấp hành-Hội viên CLB Doanh nghiệp  NTTU. Cùng với đó là sự nhiệt liệt tham dự của các Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI- HCM), CLB Doanh nhân Sài Gòn, Hội Quảng cáo TP.HCM, Hội Doanh nghiệp Quận 5, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, giảng viên của nhiều trường đại học cùng  CB-CNV-GV của ĐH Nguyễn tất Thành và hơn 500 sinh viên Nhà trường theo dõi trực tuyến.

Tiếp nối Hội thảo là Phiên tọa đàm dưới sự điều phối của GS.TS. Đỗ Phúc và TS. Nguyễn Thanh Phương – Trưởng phòng QHDN & VLSV – NTTU. Toạ đàm mang đến những chia sẻ tổng quan ứng dụng ChatGPT, những góc nhìn khác nhau về tác động của ChatGPT trong giáo dục và sự phát triển của Doanh nghiệp. Từ đó, đưa ra những định hướng thay đổi trong chiến lược, phương pháp, đánh giá nhằm giúp cho Doanh nghiệp, Nhà trường vàsinh viên có những kế hoạch, sử dụng phù hợp công cụ này trong kỷ nguyên công nghệ số. 

Như với bất kỳ công nghệ mới nào, cũng có những mối quan tâm và thách thức cần được giải quyết. Tọa đàm cũng đã chỉ ra được những thách thức đặt ra của Chat GPT, nhằm sớm có những nghiên cứu thấu đáo và hành động phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, phát huy hiệu quả tác động tích cực của ChatGPT. Buổi tọa đàm diễn ra sôi nổi với rất nhiều ý kiến hữu ích và những giải đáp rõ ràng. Đa số các khách mời đều nhất trí rằng công nghệ trí tuệ nhân tạo đang hiện diện trong mọi mặt cuộc sống và trở thành một phần thiết yếu của nền văn minh nhân loại. Tin tưởng rằng, sau tọa đàm, ChatGPT có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới cho các doanh nghiệp và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.